Thông tin đất nước » Châu Phi

Nam Phi

Nam Phi

Nam Phi, là một quốc gia nằm ở mũi phía nam lục địa Châu Phi. Nước này giáp biên giới với Namibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Swaziland, và bao quanh toàn bộ đất nước Lesotho. Nam Phi là thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Nam Phi có tên chính thức là Cộng hòa Nam Phi (Afrikaans: Republiek van Suid-Afrika, Zulu: iRiphabliki yaseNingizimu Afrika, Xhosa: iRiphabliki yaseMzantsi Afrika, Tsonga: Riphabliki yaAfrika Dzonga, Bắc Sotho và Nam Sotho: Rephaboliki ya Afrika Borwa, Tswana: Rephaboliki ya Aforika Borwa, Nam Ndebele: IRiphabliki yeSewula Afrika, Swati: IRiphabhulikhi yeNingizimu Afrika, Venda: Riphabuliki ya Afurika Tshipembe),

Nam Phi có một lịch sử rất khác biệt với các quốc gia khác ở Châu Phi, kết quả của quá trình nhập cư sớm từ Châu Âu và tầm quan trọng chiến lược của Con đường Biển Cape. Những người nhập cư Châu Âu đã bắt đầu tới đây ngay sau khi Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập một điểm đồn trú (sau này sẽ trở thành) Cape Town năm 1652. Việc đóng cửa Kênh đào Suez trong cuộc Chiến tranh Sáu Ngày đã cho thấy tầm quan trong của nó. Nước này có cơ sở hạ tầng khá phát triển giúp trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú và có giá trị cao tiếp cận tới thị trường phương Tây, đặc biệt trong suốt thế kỷ mười chín, khi cuộc cạnh tranh diễn ra khốc liệt giữa các đối thủ thời Chiến tranh lạnh. Nam Phi là quốc gia đa sắc tộc, với các cộng đồng da trắng, Ấn Độ, và người lai lớn nhất tại Châu Phi. Người da đen Nam Phi, nói chín ngôn ngữ được công nhận chính thức và nhiều thổ ngữ khác, chiếm gần 80% dân số.

Sự xung đột giữa thiểu số da trắng và đa số da đen đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử và chính trị đất nước, lên cực đỉnh thành chế độ Apartheid, được Đảng Quốc gia Nam Phi ghi thành hiến pháp năm 1948 (dù sự phân biệt đã tồn tại từ trước đó). Chế độ Apartheid bắt đầu bị Đảng Quốc gia huỷ bỏ hay bãi bỏ năm 1990 sau một cuộc xung đột kéo dài và thỉnh thoảng đầy tính bạo lực (gồm cả những biện pháp trừng phạt kinh tế từ cộng đồng thế giới) của cộng đồng đa số da đen cũng như nhiều người da trắng, da màu và người Ấn Độ tại Nam Phi.

 

Hai học thuyết triết học bắt nguồn từ Nam Phi: ubuntu (niềm tin vào một sự liên kết giữa toàn thể nhân loại); và quan điểm “phản kháng bất bạo động” (satyagraha) của Gandhi, đã được phát triển khi ông sống tại Nam Phi.]

Những cuộc bầu cử thường xuyên đã được tổ chức trong gần một thế kỷ, tuy nhiên, đa số người Nam Phi da đen vẫn không có quyền bỏ phiếu cho tới tận năm 1994. Kinh tế Nam Phi là nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhất lục địa, với cơ sở hạ tầng hiện đại và rộng khắp đất nước. Nam Phi đã là nước đăng cai tổ chức và giành chiến thắng giải Cúp các Quốc gia Châu Phi 1996. Nam Phi cũng thường được gọi là "Quốc gia Cầu vồng", một thuật ngữ do Tổng giám mục Desmond Tutu đưa ra và đã được Tổng thống Nam Phi khi ấy là Nelson Mandela chấp nhận. Tổng thống Mandela đã sử dụng thuật ngữ "Quốc gia Cầu vồng" như một ẩn dụ để miêu tả sự đa dạng văn hoá mới phát triển sau khi tư tưởng phân biệt chủng tộc aparthied bị bãi bỏ. Các chính sách xã hội tiến bộ của nước này khá hiếm thấy tại Châu Phi. Tới năm 2007, nước này đã làm nên lịch sử khi trở thành nước thứ năm trên thế giới và đầu tiên tại Châu Phi hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Nam Phi đã gia nhập sau Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Canada và trước Na Uy, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Iceland trở thành nhóm quốc gia cho phép hôn nhân đồng giới.

Nam Phi là quốc gia tổ chức FIFA World Cup 2010. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Châu Phi. Nam Phi cũng là nước tổ chức Giải vô địch 20 Quốc gia Thế giới lần đầu tiên được tổ chức tháng 9 năm 2007.

Địa lý

Nam Phi là đất nước nằm ở phần mũi phía nam của lục địa châu Phi, với một đường bờ biển dài hơn 2500 kilometres (1.550 dặm) chạy qua hai đại dương (Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương). Với tổng diện tích là 1.219.912 km² (470 979 mi²)[9] Nam Phi là nước lớn thứ 25 trên thế giới (sau Mali). Nước này có kích thước tương đương Colombia. Njesuthi tại Drakensberg với độ cao 3 408 m (11.424 ft) là đỉnh cao nhất Nam Phi. Nam Phi giáp biên giới với Botswana - 1.840 km, Lesotho - 909 km, Mozambique - 491 km, Namibia - 967 km, Swaziland - 430 km, và Zimbabwe - 225 km. Nó có bờ biển dài 2.798 km.

Trái ngược với quan niệm thông thường của mọi người, Nam Phi có khí hậu nói chung ôn hòa, một phần nhờ nó được bao quan bởi Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương ở ba phía, nhờ vị trí nằm tại bán cầu nam với thời tiết dịu hơn, và nhờ độ cao tăng dần về phía bắc (về hướng xích đạo) và trong lục địa. Vì những ảnh hưởng địa hình và hải dương này, Nam Phi có nhiều khu vực khí hậu.

Các vùng khí hậu khá khác biệt, từ sa mạc khô cằn phía nam Namib tại cực tây bắc tới kiểu khí hậu cận nhiệt đới tươi tốt ở phía đông dọc biên giới với Mozambique và Ấn Độ Dương. Từ phía đông, địa hình nhanh chóng chuyển thành núi non dựng đứng về hướng cao nguyên nội địa được gọi là Thảo nguyên cao. Thậm chí Nam Phi bị xếp hàng là bán khô cằn, có khá nhiều khác biệt về khí hậu cũng như địa hình.

Nội địa Nam Phi là một vùng cao nguyên đất sét bụi rậm rộng lớn, phẳng và dân cư thưa thớt, khí hậu khô hơn về hướng tây bắc dọc theo xa mạc Namib. Trái lại, ở bờ biển phía đông là vùng đất với cây cối tươi tốt, nhiều nước với kiểu khí hậu nhiệt đới. Cực tây nam có khí hậu rất giống với kiểu khí hậu Địa Trung Hải với mùa đông ẩm và mùa hè khô, là nơi có Quần xã sinh vật Fynbos nổi tiếng. Khu vực này cũng là nơi sản xuất ra đa số các loại rượu Nam Phi. Vùng này cũng nổi tiếng vì loại gió tại đó, thổi không liên tục suốt năm. Sự dữ dội của loại gió này khiến việc đi ngang qua Mũi Hảo Vọng trở nên đặc biệt khó khăn cho các thủy thủ, gây ra nhiều vụ đắm tàu. Xa hơn về phía đông của bờ biển phía nam đất nước, lượng mưa được phân bố đồng đều suốt năm khiến phong cảnh xanh tươi. Vùng này thường được gọi là Garden Route.

Bang Free đặc biệt phẳng nhờ nó nằm trên cao nguyên. phía bắc Sông Vaal, Thảo nguyên cao được cung cấp nhiều nước hơn và không có kiểu thời tiết đặc biệt nóng cận nhiệt đới. Johannesburg, tại trung tâm Thảo nguyên cao, ở độ cao 1740 mét (5.709 ft) và có lượng mưa trung bình hàng năm 760 milimét (30 in). Mùa đông tại vùng này lạnh, dù tuyết khá hiếm.

Tới phía bắc Johannesburg, độ cao giảm về hướng vách đứng Thảo nguyên cao, và chuyển về hướng Thảo nguyên cây bụi thấp hơn, một vùng pha trộn giữa những khu rừng khô và phong phú về động thực vật hoang dã. phía đông Thảo nguyên cao, về hướng vách đứng phía đông, Thảo nguyên thấp trải dài về phía Ấn Độ Dương. Vùng này có nhiệt độ đặc biệt cao, và cũng là nơi thuận lợi cho canh tác nông nghiệp cận nhiệt đới. Các dãy núi Barberton dải Greenstone tại thảo nguyên thấp là những dãy núi già nhất trên Trái Đất, có niên đại từ 3.5 tỷ năm trước. Bằng chứng sớm nhất về cuộc sống (có niên đại 3.2 - 3.5 triệu năm) đã được tìm thấy tại những dãy núi này.

Dãy núi cao Drakensberg, hình thành nên dốc đứng đông nam Thảo nguyên cao, là nơi có thể tổ chức môn trượt tuyết vào mùa đông. Nhiều người cho rằng địa điểm lạnh nhất Nam Phi là Sutherland ở phía tây Núi Roggeveld, nơi nhiệt độ vào giữa mùa đông có thể xuống tới −15 độ C (5 °F). Trên thực tế, nơi lạnh nhất là Buffelsfontein, tại quận Molteno thuộc Đông Cape. Buffelsfontein đã ghi nhận nhiệt độ −18.6 độ C (-1.5 °F).[10] Vùng sâu trong nội địa có thời tiết nóng nhất: nhiệt độ 51.7 °C (125 °F) đã được ghi lại năm 1948 tại Bắc Cape Kalahari gần Upington.[11]

 

Nam Phi cũng có một quần đảo cận Nam Cực nhỏ là Quần đảo Hoàng tử Edward, gồm Đảo Marion (290 km²/112 mi²) và Đảo Hoàng tử Edward (45 km²/17.3 mi²) (không nên nhầm với một tỉnh trùng tên của Canada).

Văn hóa

Có thể cho rằng không chỉ có "một" nền văn hóa tại Nam Phi vì sự đa dạng sắc tộc của nó. Ngày nay, sự đa dạng thực phẩm từ nhiều nền văn hóa được nhiều người thưởng thức, đặc biệt là những khách du lịch muốn khám phá sự phong phú trong ẩm thực Nam Phi. Ngoài thực phẩm, âm nhạc và nhảy múa cũng là đặc điểm nổi bật.

Ẩm thực Nam Phi sử dụng chủ yếu nguyên liệu thịt và sở hữu một món ăn đặc trưng riêng của xã hội Nam Phi trong những dịp lễ lạt được gọi là braai, hay thịt nước. Nam Phi cũng đã phát triển trở thành một quốc gia sản xuất rượu lớn, với một số vườn nho thuộc loại tốt tại các thung lũng quanh Stellenbosch, Franschoek, Paarl và Barrydale.[38]

Nam Phi sở hữu nhiều phong cách âm nhạc. Nhiều nhạc công da đen biểu diễn bằng tiếng Hà Lan Nam Phi hay tiếng Anh trong thời kỳ apartheid đã chuyển sang sử dụng các ngôn ngữ Châu Phi truyền thống, và phát triển một phong cách âm nhạc riêng biệt được gọi là Kwaito. Một người đáng chú ý là Brenda Fassie, bà đã trở nên nổi tiếng với bài hát "Weekend Special", biểu diễn bằng tiếng Anh. Nhiều nhạc công truyền thống nổi tiếng gồm Ladysmith Black Mambazo, còn Soweto String Quartet trình diễn nhạc cổ điển với hương vị Châu Phi. Các ca sĩ da trắng và da màu Nam Phi theo truyền thống thường có ảnh hưởng từ các phong cách âm nhạc Châu Âu gồm cả ban nhạc metal phương Tây như Seether. Âm nhạc sử dụng tiếng Hà Lan Nam Phi có nhiều kiểu, như hiện đại với Steve Hofmeyr và punk rock với ban nhạc Fokofpolisiekar. Các nghệ sĩ đa phong cách như Johnny Clegg và các ban nhạc Juluka, Savuka đã đạt nhiều thành công trong nước và tại nước ngoài.

Cộng đồng đa số người da đen trong nước với số lượng đông đảo tại các vùng nông thôn chủ yếu vẫn sống trong cảnh nghèo khổ. Tuy nhiên, chính trong những cộng đồng này, các truyền thống văn hóa đang tồn tại mạnh mẽ nhất; bởi những người da đen cũng đang trải quá quá trình đô thị hoá và tây Phương hoá ngày càng nhanh, nhiều nét văn hóa truyền thống đang mai một. Những người da đen sống tại đô thị thường sử dung tiếng Anh hay tiếng Hà Lan Nam Phi ngoài tiếng mẹ đẻ của họ. Có những nhóm nhỏ hơn nhưng vẫn rất đáng chú ý những người sử dụng các ngôn ngữ Khoisan, tuy không phải là ngôn ngữ chính thức, nhưng cũng được xếp hạng là một trong tám ngôn ngữ không chính thức. Có các nhóm nhỏ khác sử dụng các ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm, đa số chúng thuộc ngữ hệ Khoi-San, và không được chính thức ghi nhận; tuy nhiên, một số nhóm ngôn ngữ bên trong Nam Phi đang tìm cách phổ biến sự sử dụng ngôn ngữ đó giúp chúng tồn tại.

Phong cách sống của tầng lớp trung lưu, chủ yếu là thiểu số người da trắng nhưng số lượng người da đen, người da màu và người Ấn Độ thuộc tầng lớp này cũng đáng kể, tương tự nhau về nhiều phương diện với tầng lớp trung lưu tại Tây Âu, Bắc Mỹ và Australasia. Các thành viên tầng lớp trung lưu thường học tập và làm việc tại nước ngoài để có cơ hội tiếp cận sâu hơn với các thị trường thế giới.

Dù tình trạng phân biệt chủng tộc rất sâu sắc thời chế độ apartheid, người da màu thường có xu hướng tiếp cận văn hóa da trắng Nam Phi hơn là văn hóa da đen Nam Phi, đặc biệt là những người da màu nói tiếng Hà Lan Nam Phi, những người mà ngôn ngữ và đức tin tôn giáo của họ tương đồng hay đồng nhất với những người Nam Phi gốc Hà Lan. Những ngoại lệ là những người da màu và các dòng họ đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid và muốn được gọi là người da đen. Những trường hợp đó thường chỉ chiếm thiểu số.

người Châu Á, chủ yếu có nguồn gốc Ấn Độ, gìn giữ di sản văn hoá, ngôn ngữ và tôn giáo của riêng họ, họ có thể là tín đồ Thiên chúa giáo, Hindu giáo hay Hồi giáo Sunni và nói tiếng Anh cùng các ngôn ngữ Ấn Độ như Hindi, Telugu, Tamil hay Gujarati. Đa số người Ấn Độ sống theo phong cách tương tự người da trắng. Những người Ấn Độ đầu tiên tới Nam Phi trên con tàu Truro nổi tiếng với tư cách nhân công giao kèo tại Natal để làm việc trên những cánh đồng mía. Có một cộng đồng người Trung Quốc nhỏ tại Nam Phi, dù số lượng của họ đã tăng thêm với số người nhập cư từ Trung Hoa Dân Quốc.

Nam Phi cũng có ảnh hưởng khá lớn trên phong trào Hướng đạo sinh, nhiều truyền thống và lễ hội Hướng đạo sinh xuất phát từ những trải nghiệm của Robert Baden-Powell (người thành lập Hướng đạo sinh) trong thời gian ông sống tại Nam Phi với tư cách sĩ quan quân sự trong thập niên 1890. Hiệp hội Hướng đạo sinh nam Phi là một trong những tổ chức thanh niên đầu tiên mở cửa chấp nhận thành viên từ mọi sắc tộc tại Nam Phi. Sự việc này xảy ra ngày 2 tháng 7 năm 1977 tại một hội nghị được gọi là Quo Vadis

Các nước khác cùng châu lục:

Dịch vụ visa hộ chiếu tại Hồ Chí Minh
Dịch vụ visa hộ chiếu tại Hồ Chí Minh