Thông tin đất nước » Châu Phi

Bangladesh

Bangladesh

Bangladesh (phiên âm Tiếng Việt: Băng-la-đét, Hán Việt: Mạnh Gia Lạp), tên chính thức: Cộng hoà Nhân dân Bangladesh, là một quốc gia ở vùng Nam Á. Địa giới Bangladesh giáp Ấn Độ ở phía tây, bắc, và đông nên gần như bị bao vây trừ một đoạn biên giới giáp với Myanma ở phía cực đông nam và Vịnh Bengal ở phía nam. Cùng với tiểu bang Tây Bengal của Ấn Độ, quốc gia này là một thành phần của khu vực chung của dân tộc-ngôn ngữ Bengal. Địa danh Bangladesh có nghĩa "Đất nước Bengal" và được viết thành বাংলাদেশ và đánh vần là ['baŋlad̪eʃ] (trợ giúp·thông tin) trong tiếng Bengali chính thức.

Biên giới của Bangladesh được xác định theo sự Phân chia Ấn Độ năm 1947, khi nó trở thành nửa phía đông của Pakistan (Đông Pakistan), chia cách 1.600 km (1.000 dặm) với nửa phía tây. Dù cùng có tôn giáo chính là Hồi giáo, sự ngăn cách về ngôn ngữ và dân tộc giữa phía đông và phía tây cộng với một chính phủ chủ yếu của Tây Pakistan, khiến nước này tuyên bố độc lập dưới sự lãnh đạo của Sheikh Mujibur Rahman năm 1971 sau một cuộc Chiến tranh giải phóng Bangladesh đẫm máu, với sự trợ giúp của Ấn Độ. Những năm sau độc lập là giai đoạn bất ổn chính trị của đất nước, với mười ba chính phủ và ít nhất bốn cuộc đảo chính quân sự.

Dân số Bangladesh xếp hạng thứ bảy trên thế giới, nhưng với diện tích chỉ gần 144.000 km² nó đứng hàng thứ 94, biến nước này trở thành một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Đây là quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn thứ ba thế giới, nhưng số tín đồ Hồi giáo vẫn hơi ít hơn so với số tín đồ Hồi giáo tại Ấn Độ (dù Hồi giáo chỉ là tôn giáo phụ tại Ấn Độ). Về mặt địa lý, nước này chủ yếu gồm Đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra, nước này cũng có những trận lụt theo gió mùa hàng năm, và thường có lốc xoáy. Bangladesh là một thành viên sáng lập Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực (SAARC), BIMSTEC, và là một thành viên của Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) và D-8.

Địa lý

Bangladesh nằm ở vùng thấp của đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra hay Đồng bằng sông Hằng. Đồng bằng này được hình thành nhờ hợp lưu sông Hằng (tên địa phương Padma hay Pôdda), Sông Brahmaputra (Sông Jamuna jau Jomuna), và Sông Meghna tại các nhánh của chúng. Đất phù sa lắng đọng do các con sông trên mang lại đã tạo nên một trong những đồng bằng màu mỡ nhất thế giới.

Đa phần Bangladesh nằm thấp 10 mét dưới mực nước biển, và mọi người cho rằng 10% đất đai sẽ bị ngập chìm nếu mực nước biển dâng thêm 1 mét. Điểm cao nhất Bangladesh nằm tại dãy Mowdok ở độ cao 1.052 m (3.451 ft) tại vùng đồi Chittagong phía đông nam đất nước. Một phần chính vùng duyên hải có các rừng nhiệt đới nhiều đầm lầy. Sundarbans, một trong những khu rừng tràm đước lớn nhất thế giới là nơi sinh sống của nhiều hệ động thực vật, gồm cả hổ Bengal. Năm 1997, vùng này được xếp vào danh sách các khu vực đang nguy cấp.

 

Dọc theo Hạ chí tuyến, khí hậu Bangladesh là khí hậu nhiệt đới với mùa đông dễ chịu từ tháng 10 tới tháng 3, mùa hè nóng ẩm từ tháng 3 tới tháng 6. Mùa gió mùa ấm và ẩm kéo dài từ tháng 6 tới tháng 10 mang tới đa phần lượng mưa của nước này. Các thảm họa thiên nhiên, như lũ lụt, lốc nhiệt đới, lốc xoáy, và lở đất do thủy triều xảy ra hầu như hàng năm cộng với những hậu quả của nạn phá rừng, thoái hóa đất và xói lở. Cox's Bazar, phía nam thành phố Chittagong, có một bãi biển trải dài liên tục hơn 120 kilômét (75 dặm); đây là một trong những bãi biển tự nhiên còn ở tình trạng hoang sơ dài nhất thế giới.

Văn hóa

Là một quốc gia mới nhưng bắt nguồn từ một dân tộc có lịch sử dài lâu, Bangladesh có một nền văn hóa bao gồm nhiều yếu tố cả mới và cũ. Ngôn ngữ Bangla có một di sản văn học rất phong phú, đây là di sản chung của Bangladesh với bang Tây Bengal Ấn Độ. Văn bản tiếng Bangla đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ thứ tám Charyapada. Văn học Bangla thời trung cổ thường mang tính tôn giáo (như Chandidas), hay phòng theo từ các ngôn ngữ khác (như Alaol). Văn học Bangla phát triển ở mức độ cao nhất vào thế kỷ mười chín. Các biểu tượng lớn nhất của nó là nhà thơ Rabindranath Tagore và Kazi Nazrul Islam. Bangladesh cũng có truyền thống văn học dân gian dài lâu, thể hiện qua Maimansingha Gitika, Thakurmar Jhuli hay các câu chuyện về Gopal Bhar.

Âm nhạc truyền thống Bangladesh có căn bản trữ tình (Baniprodhan), với số lượng nhạc cụ sử dụng tối thiểu. Truyền thống Baul là duy sản duy nhất của âm nhạc dân gian Bangla và có nhiều truyền thống âm nhạc khác tại Bangladesh, khác biệt tùy theo vùng. Gombhira, Bhatiali, Bhawaiya đều là các hình thức âm nhạc ít được biết tới hơn. Âm nhạc dân gian Bengal thường có sử dụng ektara, một nhạc cụ một dây. Các nhạc cụ khác gồm dotara, dhol, sáo và trống cặp nhỏ. Bangladesh cũng có một di sản Âm nhạc cổ điển Bắc Ấn nổi bật. Tương tự, các hình thức nhảy múa Bangladesh cũng bắt nguồn từ các truyền thống dân gian, đặc biệt là các truyền thống của các nhóm bộ tộc, cũng như ở tầm rộng hơn là truyền thống nhảy múa Ấn Độ. Bangladesh sản xuất khoảng 80 bộ phim mỗi năm[46]. Các bộ phim phim Hindi cũng khá phổ biến, cũng như các bộ phim từ Kolkata, vốn đều thuộc nền công nghiệp phim ảnh Bengal đang phát triển thịnh vượng. Khoảng 200 tờ báo hàng ngày xuất bản tại Bangladesh, cùng với hơn 1.800 tờ báo định kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ độc giả thường xuyên khá thấp, khoảng 15% dân số[47]. Người Bangladesh có thể theo dõi nhiều chương trình phát thanh trong nước và nước ngoài từ Bangladesh Betar, cũng như các chương trình tiếng Bangla của BBC và Tiếng nói Hoa Kỳ. Kênh truyền hình trước kia thuộc sở hữu nhà nước đã được tư nhân hóa trong những năm gần đây và đã có một số bước phát triển nhảy vọt.

Truyền thống ẩm thực Bangladesh có quan hệ chặt chẽ với ẩm thực Ấn Độ và ẩm thực Trung Đông cũng như có nhiều nét riêng biệt. Gạo và cá là các món ăn được ưa thích truyền thống; dẫn tới một câu nói rằng "cá và gạo tạo nên người Bengal" (machhe bhate bangali). Tiêu thụ thịt đã tăng lên trong những năm gần đây. Người Bangladesh chế tạo ra những sản phẩm bánh kẹo rất đặc trưng từ sữa; một số loại thường gặp là Rôshogolla, Chômchôm và Kalojam.

Sari (shaŗi) là loại trang phục phổ biến nhất của phụ nữ Bangladesh. Tuy nhiên, salwar kameez (shaloar kamiz) cũng khá phổ thông, và tại những vùng thành thị một số phụ nữ mặc trang phục phương Tây. Đối với nam giới, trang phục phương Tây đã được chấp nhận rộng rãi. Nam giới cũng mặc theo kiểu kết hợp kurta-paejama, thường là vào các dịp lễ tôn giáo. Lungi, một kiểu váy dài, cũng được nhiều nam giới Bangladesh sử dụng.

Hai Eid, Eid ul-Fitr và Eid ul-Adha, là các lễ hội lớn nhất theo lịch Hồi giáo. Ngày hôm trước Eid ul-Fitr được gọi là Chãd Rat (đêm của Mặt trăng), và thường được chào mừng bằng những tràng pháo. Các ngày lễ Hồi giáo khác cũng được kỷ niệm. Các ngày lễ Hindu giáo là Durga Puja và Saraswati Puja. Buddha Purnima, chào mừng ngày sinh của Gautama Buddha, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo trong khi Giáng sinh, được gọi là Bôŗodin (ngày Vĩ đại) trong tiếng Bangla được cộng đồng thiểu số Thiên chúa giáo đón mừng. Ngày lễ không tôn giáo quan trọng nhất là Nôbobôrsho hay năm mới của Bengal, ngày khởi đầu của lịch Bengal. Các lễ hội khác gồm Nobanno, Poush parbon (ngày lễ của Poush) ngày lễ kỷ niệm Shohid Dibosh.

Cricket là một trong những môn thể thao nổi tiếng nhất Bangladesh. Năm 2000, Đội tuyển cricket Bangladesh được trao mức Test cricket và gia nhập vào liên đoàn các đội tuyển quốc gia hùng mạnh trong môn thể thao này được Hội đồng Cricket Quốc tế cho phép chơi các trận đấu thử nghiệm. Các môn thể thao khác gồm bóng đá, hockey trên cỏ, tennis, bóng ném, bóng rổ, cờ và kabadi, một môn thể thao chơi theo đội 7 người, không có bóng cũng như bất kỳ một dụng cụ nào và là môn thể thao quốc gia của Bangladesh. Ủy ban Kiểm tra Thể thao Bangladesh quản lý 29 liên đoàn thể thao khác nhau.

Các nước khác cùng châu lục:

Dịch vụ visa hộ chiếu tại Hồ Chí Minh
Dịch vụ visa hộ chiếu tại Hồ Chí Minh